'Bản đồ cổ đã đập tan những luận điệu của Trung Quốc'Những tấm bản đồ như “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn
đồ” đã vạch rõ, đập lại luận điệu mà vẫn Trung Quốc vẫn rêu rao, tạo
lợi thế cho Việt Nam nếu đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra đàm phán hoặc
lên tòa án quốc tế.
> Bản đồ Trung Quốc ghi đảo Hải Nam là cực nam/ 8 bản đồ cổ chứng minh Trung Quốc không có Hoàng SaLà người từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về
luật biển tại Bỉ, ông Nguyễn Toàn Thắng, cho rằng, những tấm bản đồ cổ
như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ hoàn toàn có thể sử dụng được
trong quá trình đàm phán với Trung Quốc. Đây là một chứng lý có lợi cho
Việt Nam khi đặt trong hồ sơ đến cơ quan tài phán quốc tế.
Tuy nhiên, tiến sĩ Thắng lưu ý, đây chỉ là một loại
bằng chứng và giá trị không phải ở tính riêng rẽ. Muốn khẳng định và
thuyết phục được về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa tại cơ quan tài phán quốc tế, thì Việt Nam phải có hồ sơ đầy
đủ bằng chứng về pháp lý, lịch sử, tài liệu cho đến việc chiếm hữu trong
thực tế. Các loại bằng chứng này bổ trợ cho nhau thì mới có giá trị.
|
Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ ấn hành năm 1904 với cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Ảnh: N.H. |
“Việt Nam phải chứng minh được toàn bộ quá trình lịch
sử là mình chiếm hữu như thế nào, thực thi việc quản lý ra sao, có liên
tục không... Không thể dựa vào một bằng chứng mà khẳng định ngay được”,
ông Thắng phân tích.
Chuyên gia ngành luật quốc tế này cho hay, để chứng
minh chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông, Trung Quốc cũng có
những cách làm riêng rất đáng lưu tâm. Đơn cử như việc thay vì trưng ra
các bản đồ tương tự như Việt Nam tìm thấy thì Trung Quốc đẩy mạnh tìm
kiếm các di vật khảo cổ ở Hoàng Sa như một cách để phản hồi. Dù cách làm
này không đi sâu về mặt pháp lý (và thậm chí không loại trừ việc phát
hiện di vật là “ngụy tạo”) song, tiến sĩ Thắng cho rằng, nó có tác dụng
về mặt tuyên truyền kiểu như phổ cập thông tin "xuất hiện, có mặt trên
thực địa trước". Dư luận vì thế sẽ cho rằng Trung Quốc cũng có lý.
“Đó là một 'chiêu' tuyên truyền để lấy dư luận, còn
giá trị pháp lý thì phải tranh luận chứ không khẳng định ngay được.
Trong thực tế, bên nào chứng minh được việc quản lý nhà nước trong thời
gian dài hơn, thuyết phục hơn thì đấy là bằng chứng quan trọng để xem
xét”, tiến sĩ Thắng nói.
Chia sẻ quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, ông Hoàng Việt (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) cho rằng, với các tấm bản đồ cổ được công bố trong thời gian qua để đưa
ra tòa án quốc tế là một câu chuyện dài. Đi kèm với các bản đồ đó còn
cần rất nhiều chứng lý khác, đặc biệt là về việc thực thi chủ quyền.
Tuy nhiên, những bằng chứng như
Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ đã góp phần vạch rõ, đập lại luận điệu mà từ trước tới nay Trung Quốc
vẫn rêu rao rằng, mình là người đầu tiên phát hiện, nghiên cứu, đo vẽ về
Hoàng Sa, Trường Sa. “Trung Quốc đến đó lúc nào, đến bằng cái gì, Có
ghi lại đâu? Theo logic, khi anh đã đưa ra bằng chứng không chính xác,
làm sao anh kết luận được?”, ông Việt phân tích.
|
Trong khi đó, trong An Nam đại quốc họa đồ ấn hành từ đầu thế kỷ 19 đã có xác định vị trí quần đảo Hoàng Sa với tên gọi Paracel - Cát Vàng (mũi tên chỉ). Ảnh: Tư liệu. |
Theo ông, qua các triều đại Trung Quốc, có rất nhiều
bản đồ được lưu lại nhưng tất cả bản đồ trước năm 1909 đều không nói tới
Hoàng Sa, Trường Sa. Không chỉ thế, từ chính sử cho tới địa phương chí
cũng không nhắc tới hai quần đảo này. Những cái Trung Quốc rêu rao gần
đây chỉ là “ngụy tạo, bịa đặt”. Trong hoàn cảnh đó, những bản đồ cổ được
công bố trong thời gian qua là lợi thế để làm cho dư luận, làm cho thế
giới hiểu đúng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Theo học giả Dương Danh Dy, bản đồ vừa được tiến sĩ
Mai Ngọc Hồng công bố, trao tặng bảo tàng lịch sử Quốc gia là một “bằng
chứng thật”. Nó ngay lập tức khiến dư luận Trung Quốc lúng túng. Tuy
nhiên, ông Dy lưu ý, có những giai đoạn dài, Việt Nam đã buông lỏng trận
địa truyền thông về chủ quyền biển đảo, để mặc Trung Quốc lũng đoạn.