Các ngân hàng đang tìm mọi cách kéo lùi tỷ lệ tín dụng phi sản xuất từ trên 22% hiện nay xuống mức 22% trước ngày 30/6/2011 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Dự kiến, đến cuối năm nay, tín dụng phi sản xuất của ngân hàng thương mại phải hạ xuống mức 16%
Do khó đáp ứng yêu cầu này, nên không loại trừ trường hợp có ngân hàng hạ thấp tỷ lệ này bằng cách… ăn gian.
Sống được nhờ vào tín dụng phi sản xuất
Danh sách 20 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đang có dư nợ phi sản xuất cao hơn 22%, cá biệt có 2 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất hơn 50% không gây ngạc nhiên trong giới ngân hàng.
Việc các ngân hàng nhỏ sống chủ yếu dựa vào cho vay phi sản xuất, đặc biệt cho vay bất động sản là chuyện có thực. Sinh sau, đẻ muộn, mới tăng vốn điều lệ, nên muốn có lãi, các ngân hàng này buộc phải mở rộng mạng lưới hoạt động, tìm mọi biện pháp để thu hút khách hàng. Cách làm phổ biến nhất là các ngân hàng này tăng lãi suất huy động và đẩy mạnh cho vay bất động sản.
Tuy nhiên, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu tuyên bố không lùi thời hạn siết tín dụng phi sản xuất xuống 22% vào ngày 30/6 tới và tiếp tục hạ mức tín dụng phi sản xuất xuống 16% vào cuối năm, khiến nhiều ngân hàng thương mại như đang… ngồi trên lửa. Phó giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, nếu NHNN không xem xét lại tiêu chí về tín dụng phi sản xuất, thì nhiều ngân hàng không thể đưa tỷ lệ tín dụng phi sản xuất về mức 22% trước ngày 30/6.
“Hiện chúng tôi đang cơ cấu lại một số khoản vay, thỏa thuận lại với khách hàng để giãn việc thực hiện hợp đồng. Chúng tôi hy vọng, NHNN sẽ xem xét lại tiêu chí tín dụng sản xuất và phi sản xuất. Hiện nay, các khoản vay phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng… được coi là tín dụng bất động sản, nhưng thực tế, đây là tín dụng sản xuất”, vị này nói.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho rằng, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tìm mọi cách để kéo lùi tỷ lệ tín dụng phi sản xuất xuống mức NHNN yêu cầu để khỏi bị phạt. “Tuy nhiên, ngoài biện pháp từ chối hoặc cấu trúc lại một số hợp đồng tín dụng, không loại trừ trường hợp một số ngân hàng sẽ phải “ăn gian” để đạt tỷ lệ trên”, ông Nghĩa nói.
Không có chuyện vỡ bong bóng bất động sản
Việc NHNN tuyên bố siết chặt tín dụng bất động sản khiến lo ngại về nguy cơ giải chấp bất động sản tăng lên. Thậm chí, có ý kiến còn lo xa về việc vỡ bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng khẳng định, hiện nay, cho vay bất động sản vẫn đảm bảo an toàn và có lãi cao nhất.
Ông Nghĩa nhận định, không thể có chuyện vỡ bong bóng bất động sản ở Việt Nam, vì quy mô thị trường bất động sản Việt Nam còn nhỏ.
“Thay vì áp đặt hành chính về tỷ lệ cho vay phi sản xuất, lẽ ra NHNN chỉ nên chọn vài ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản để giám sát cho vay phi sản xuất. Thay vì can thiệp từng khoản vay của các ngân hàng thương mại cổ phần, NHNN chỉ cần giữ vững vai tròø “cầm trịch” ở thị trường liên ngân hàng”, ông Nghĩa nhận xét.
Hiện NHNNN đã có công cụ quản lý rủi ro làø tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). Cụ thể, ngân hàng cóù tỷ lệ CAR từ 9% trở lên thì được mở rộng tín dụng bất kỳ lĩnh vực nào, còn ngân hàng có tỷ lệ CAR dưới 9% không được mở rộng tín dụng. Đáng lẽ ra NHNN phải căn cứ vào tỷ lệ này để điều hành quản lý, thì lại bắt tất cả ngân hàng đều không được có mức tăng trưởng tín dụng quá 20% trong năm nay. Rõ ràng, các biện pháp mang tính hành chính của NHNN là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản của các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ và vừa thêm căng thẳng. Tình hình này chưa thể sớm cải thiện, dù lạm phát đang giảm dần.
Theo Baodautu.vn