VĂN MIẾU - HƯNG YÊNVăn
Miếu Hưng Yên là Văn Miếu hàng tỉnh, còn gọi là Văn Miếu Xích Đằng, xây
dựng năm Minh Mạng thứ 20 (1839), tọa trên một khu đất cao rộng gần
4.000m2, thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên.
Hiện
vật quý nhất của Văn Miếu là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia được lập năm
Đồng Khánh thứ 3 (1888), một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi
danh các nhà khoa bảng Hưng Yên. Có 138 vị đỗ đại khoa được ghi khắc vào
bia từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng khoa cử nho học,
trong đó có 21 vị nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình (Phủ Tiên Hưng của
Hưng Yên ngày đó sau thuộc Thái Bình).
Học vị cao nhất là Trạng
nguyên Tống Trân, người thôn An Cầu, huyện Phù Cừ, đời Trần, Trạng
nguyên Nguyễn Kỳ người xã Bình Dân huyện Khoái Châu, triều Mạc. Chức vụ
cao nhất là Lê Như Hổ, quận công triều Mạc.
Trước đây, hằng năm vào 2
mùa xuân thu nhị kỳ, các ngày 10 tháng giêng và 14 tháng 8 tại Văn Miếu
đều tổ chức tế lễ Khổng Tử, các quan lại đương triều về dự lễ rất đông.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Miếu là cơ sở hoạt động bí mật của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ, Tỉnh ủy Hưng Yên.
Tại
Văn Miếu những năm gần đây đã diễn ra các hoạt động mang đậm sắc thái
văn hoá địa phương, dân tộc. Văn Miếu Hưng Yên đã trở thành một biểu
tượng về nền văn hoá, văn hiến của tỉnh Hưng Yên.
ĐỀN THIÊN HẬU - HƯNG YÊN
Đền
Thiên Hậu Hưng Yên: Đền Thiên Hậu được xây dựng từ năm 1640 do 40 dòng
họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến quyên góp. Kiến
trúc ngôi đền theo kiểu nội tự ngoại tế nghĩa là bên trong thờ phụng,
bên ngoài làm nơi tế tự. Đây là công trình mang đậm màu sắc kiến trúc
Trung Hoa trên nhiều phương diện, như tam quan, nhà tế, mái đền, đao góc
và kết cấu vì kèo. Theo truyền ngôn của kiều dân thì công trình được
làm sẵn ở Trung Quốc, rồi chở sang Việt Nam cất dựng.
Mặt tiền là
tam quan cao rộng, tường bao hai bên trang trí các ô vuông gắn gạch men
hoa màu xanh lam rất đẹp. Sân trước nhà tiền đường có hai con nghê chầu;
con đực ngậm viên ngọc, con cái ôm con bú, chất liệu bằng đá hoa cương,
tạc khá sinh động. Viên ngọc được đẽo gọt tròn, nhẵn, không biết bằng
cách nào đưa vào miệng con đực. Hai con nghê đã nói lên quan niệm sống
của người Hoa: được của và được con là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời.
Thềm đền được lát bằng những tấm đá cuội trải mưa gió hàng mấy trăm năm
vẫn trơ gan không mòn vẹt. Đền chính xây bằng gạch Bát Tràng, rêu không
bám được. Mái đền lợp ngói ống, đầu đao cong nhẹ hình đuôi cá. Cánh cửa
tiền đường khắc hình các quan văn võ theo hầu tô sơn xanh đỏ. Trên các
vì kèo ở gian tiền tế cũng khắc các tích chuyện rút ra từ Tam Quốc hoặc
Tây Du. Khách vào đền dù xa lạ cũng biết ngay là nơi tế tự của Hoa kiều.
Đền thờ bà Lâm Tức Mặc, theo Đại Thanh nhất thống chí, bà là một
thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, người Bồ Điền, tỉnh Phúc
Kiến, nguyên là cô gái dệt lụa sinh vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Tương
truyền Lâm Tức Mặc khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực
rỡ, lớn lên có phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Từ tuổi hoa niên bà đã
phát hiện ra một thứ rong biển dùng nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho
dân, và còn tìm ra một thứ dầu ăn gọi là ma mộc rút từ cây thuộc họ vừng
giúp dân nghèo qua những trận đói kéo dài...
Ngày mồng 9 tháng 9 âm
lịch bà không bệnh tật, tự nhiên qua đời. Theo thánh phả bà hoá vào một
ngày có quần tiên tấu nhạc. Bốn chữ "Bạch nhật phi thăng" khắc ở cỗ
kiệu trong đền của bà nói lên điều đó.
Sau khi hóa, ngài thường mặc
áo đỏ bay lượn trên biển. Thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thường hiển
linh cứu hộ thuyền bè. Thời Khang Hy phong làm Thiên Phi, sau gia phong
Thiên Hậu. Người Phúc Kiến tôn bà là Thần Biển nên di cư đến đâu mang
thần tích lập đền thờ đến đó. Cho nên ta không lấy làm lạ, dọc bờ biển
nước ta có nhiều nơi lập đền thờ Thiên Hậu. Tại Thiên Hậu Cung ở Phố
Hiến Hạ có hai cuốn sách nói về sự tích bà: Thiên Hậu Thánh Mẫu Thánh
Tích Đồ Chí (in lần thứ hai năm Hàm Phong thứ 3 (1853) và cuốn Thiên
Thượng Thánh Mẫu cứu khổ chân kinh, in năm Thành Thái thứ 19 (1907)).
Trong
đền Thiên Hậu có nhiều bức đại tự liên quan tới việc đi sông biển và
ngợi ca tài danh của vị nữ thần, nào là Phong điều vũ thuận - Quốc thái
dân an (Mưa gió điều hòa - Đất nước yên vui), nào là Hải bất dương ba
(Biển không nổi sóng) Quá hải tề thiên (Vượt biển trời êm).
Ngoài
gian chính thờ bà Lâm Tức Mặc, hai gian bên còn có bàn thờ cha mẹ và anh
ruột bà, bàn thờ các dòng họ người Hoa đã có công xây dựng và tôn tạo
ngôi đền. Hàng năm, đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23 tháng 3 âm lịch
(ngày sinh) và ngày mồng 9 tháng 9 (ngày hóa) của Lâm Tức Mặc. Các dòng
họ người Hoa ở Phố Hiến và người Việt về đây tế lễ, rước kiệu linh đình,
lễ vật có bánh rong câu, kẹo sìu, bánh rùa, bánh Tô Châu... là những
sản vật truyền thống của người Hoa.
ĐỀN THỜ CHỬ ĐẠO TỔ - HƯNG YÊN Đền Thờ Chử Đạo Tổ: Đền thờ Chử Đồng Tử có ở nhiều nơi trên đất nước
Việt Nam. Tại huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội chừng 25km
theo đê sông Hồng, có hai ngôi đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử. Một ngôi
đền nằm ở địa phận thôn Đa Hoà, xã Bình Minh, bên dòng sông Hồng nhìn ra
bãi Tự Nhiên nơi nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp, con gái vua Hùng
thứ 18 kỳ ngộ và nên duyên với chàng Chử nghèo khó; ngôi đền thứ hai
thuộc địa phận thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, nơi chàng Chử cùng nhị vị phu
nhân hoá về trời.
ĐỀN TỐNG CHÂN - HƯNG YÊNĐền
Tống Chân:Tục truyền rằng, vào thời nhà tiền Lý (ở Văn Miếu Hưng Yên
ghi ông sống vào thời nhà Trần) ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù
Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) có một người họ
Tống, tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, trong gia đình rất hiếu
đễ, ngoài xã hội khoan hoà. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh
(cùng huyện) tên là Đào Thị Cuông, vợ chồng sống rất nhân từ, tu nhân
tích đức, hay làm điều thiện... Việc làm của họ thấu tới cả trời xanh,
nhà Trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Bà Đào Thị Cuông có thai 11
tháng mới sinh một cậu bé khôi ngô, tuấn tú vào ngày rằm tháng Tư năm
Bính Ngọ.
Lên 3 tuổi, cậu bé đã rất giỏi âm luật, cha mẹ rất yêu
thương nên đặt tên là Trân. Tống Trân lên 5 tuổi đã có khí chất thông
minh, thiên tư sáng suốt, học một biết mười, trên từ thiên văn, dưới đến
địa lý đều am hiểu tinh tường. Khi Ngài cùng mẹ lang thang hành khất,
đến Sơn Tây vào một gia đình trưởng giả giàu có ăn xin, được Cúc Hoa
(con gái ông trưởng giả) đem lòng yêu mến vì tài đối đáp thông minh của
Tống Trân. Ba người trở về quê hương làm ăn, riêng Tống Trân dùi mài
kinh sử. Đến năm 7 tuổi vua Lý Nam Đế (544-548) mở khoa thi để tuyển
chọn nhân tài và đến ngày 29 tháng 9, Tống Trân vào kinh ứng thí, cả ba
kỳ đều đỗ thủ khoa. Đến ngày mồng 1 tháng 2 năm Quý Sửu, ông đỗ Đệ nhất
giáp cập đệ đệ nhất danh (tức Trạng Nguyên). Vua khen rằng: "Quốc sĩ vô
song, tướng tài quả nhị" - nghĩa là "kẻ sĩ cả nước chỉ có một (Tống
Trân), tướng tài không có người thứ hai"". Ngày mồng 10 tháng 4, vua ban
cho cờ biển, một nghìn vuông gấm và mười đĩnh vàng cho về vinh quy bái
tổ.
Trở về làng bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng
làng trong một tháng, rồi cưới nàng Cúc Hoa làm vợ. Tống Trân làm nhà ở
làng Phù Oanh, cho vợ trông coi rồi trở lại kinh thành. Được ba tháng,
vua cử ngài đi sứ sang Bắc quốc. Vua Trung Quốc dùng đủ mọi cách để thử
tài Tống Trân, nhưng quan Trạng đều ứng đối trôi chảy, xử thế mưu trí.
Vua Trung Quốc khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong
làm "Lưỡng quốc trạng nguyên" (trạng nguyên hai nước). Vua Tầu muốn gả
con gái cho nhưng Tống Trân từ chối, vì thế bị giam vào chùa Linh Long
trong một trăm ngày, không cho thức ăn, nước uống. Tại đây, ông đã nảy
ra sáng kiến bẻ ăn tượng phật (được làm bằng chè lam) và uống nước lã,
nên một lần nữa, vua Tàu phục tài bèn phong làm "Phụ quốc thượng tể Đẩu
Nam Tống đại vương".
"Bảy tuổi Trạng nguyên lừng đất Việt.
Mười năm tứ tiết khiết trời Ngô." Mười
năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa bị ép lấy chồng khác. Tống
Trân giả dạng người hành khất để dò la tình ý, biết Cúc Hoa vẫn thủy
chung với mình, khen Cúc Hoa đủ tam tòng, tứ đức, thực là nữ trung
Nghiêu, Thuấn. Tống Trân đón vợ về, cùng nhau đoàn tụ. Vua biết chuyện,
đã phong cho Cúc Hoa làm "Quận phu nhân". Khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu
Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương, có vời Tống Trân ra làm
"Phụ chính đại thần". Được hơn mười năm, Tống Trân ngoài 60 tuổi, mới
dâng biểu cao quan về quê dạy học. Cúc Hoa không có con, lại mắc chứng
bệnh đau bụng, ba hôm sau thì mất (ngày 3 tháng 3). Năm năm sau, Tống
Trân bị chứng bệnh "mã đao" (hạch ở cổ) và mất ngày mồng 5 tháng 5 năm
Tân Hợi. Ngoài được phong sắc "Thượng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân
đại vương" và về sau được truy phong làm "Thượng đẳng phúc thần".
Tại đền còn lưu giữ những câu đối ca ngợi mảnh đất "địa linh" của huyện Phù Dung:
"Đức phối nhị vương, An quận ninh khang ca thánh trạch.
Công cao thiên cổ, Phù Dung hiển tích tạ thần lưu."
(Đức sánh hai vua, An quận yên lành nhờ thánh trạch.
Danh lưu muôn kiếp, Phù Dung linh ứng tỏ thần công... đã sản sinh ra "nhân kiệt" cho địa phương.)
"Văn vũ bẩm toàn tài, kháng Nguỵ, sánh Ngô cái thế huân danh minh Việt sử.
Bắc, Nam dai cử thủ phong, tích tước huy niên thang mộc trang lăng từ." (Toàn tài văn võ, dẹp Ngô đánh Nguỵ, muôn kiếp công lao ghi sử sách.
Quy phục Bắc Nam, phong Vương tiến tước nghìn năm đất tổ tế lăng từ... thật xứng Lưỡng quốc Trạng Nguyên.)
Trạng nguyên Tống Trân còn được biết đến thông qua truyện nôm khuyết danh "Tống Trân - Cúc Hoa" nổi tiếng xưa nay.
Theo
quy định hàng năm, lễ hội làng được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 17
tháng 4 âm lịch, trong đó ngày 13 và 14/4 là ngày hội chính. Ngày 13/4
tiến hành rước kiệu từ các đền, chùa trong làng. Trong ngày chính hội
(tức ngày 14/4) dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng với
đoàn tuỳ tùng, cờ xí, võng lọng trông rất uy nghi. Và đến ngày 16/4 lại
rước kiệu về các đình, đền, chùa để an vị. Ngày 17/4 làm lễ bế hội. Lễ
hội đền Tống Trân là một trong những lễ hội lớn nhất của huyện Phù Cừ.